“Bàn tay vàng” của VMC

“Chỉ có tình yêu nghề, sự nỗ lực cố gắng không ngừng của bản thân mới giúp hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và mang lại những thành công trong nghề…” là tâm sự của anh Hoàng Chí Thanh, thợ sửa chữa máy mỏ bậc 6/7, “Bàn tay vàng” của Phân xưởng Máy mỏ 1 – Vận tải, Công ty CP Chế tạo máy (VMC).

Theo giới thiệu của anh Nguyễn Quang Vinh, Quản đốc Phân xưởng Máy mỏ 1 – Vận tải, chúng tôi gặp thợ sửa chữa máy mỏ bậc 6/7 Hoàng Chí Thanh khi anh đang cùng anh em công nhân sửa chữa chiếc máy xúc thủy lực PC 1250, loại máy có dung tích gầu lớn dùng trong khai thác than lộ thiên. Thấy chúng tôi, anh ngừng tay, giao cho anh em trong tổ tiếp tục công việc và nở nụ cười tươi thân thiện chào khách.

Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh về nghề, những vất vả khó khăn trong công việc của nghề cơ khí sửa chữa máy mỏ cũng như niềm vui khi hoàn thành một việc khó. Sinh năm 1979, quê ở Duy Tiên – Hà Nam, học xong phổ thông, Hoàng Chí Thanh ra Quảng Ninh học nghề sửa chữa máy mỏ tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Cẩm Phả. Năm 2005 tốt nghiệp với trình độ bậc 3/7, Hoàng Chí Thanh vào làm tại Phân xưởng Máy mỏ 1 –  Công ty CP Chế tạo máy cho đến nay. Trải qua 15 năm trong nghề, Thanh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, áp dụng lý thuyết được học với thực tế sản xuất. Đồng thời, học hỏi kinh nghiệm ở những thợ bậc cao và nghiên cứu tìm tòi kiến thức mới để đáp ứng công việc. Hiện nay, anh là thợ sửa chữa máy mỏ bậc 6/7, là Tổ trưởng Tổ sửa chữa 2, Phân xưởng Máy mỏ 1 – Vận tải.

Thanh bảo, nghề cơ khí sửa chữa là một nghề khó, những lý thuyết được học khi ra làm việc thực tế ban đầu rất bỡ ngỡ, đòi hỏi phải chịu khó và có lòng yêu nghề, phải luôn nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu nguyên lý làm việc của thiết bị, các sự cố thường gặp… để có biện pháp xử lý, khắc phục nhanh nhất.

Các thiết bị hiện nay đều là loại hiện đại, thế hệ mới của Mỹ, Thụy Điển, Nhật…, nhiều thiết bị điều khiển bằng hệ thống thủy lực và điện tử. Do vậy, để nâng cao năng lực sửa chữa, nâng cao chất lượng, tiến độ sửa chữa thiết bị, từ năm 2007, Công ty đã đầu tư dây chuyền sửa chữa thiết bị máy mỏ tập trung, là dây chuyền sửa chữa thiết bị đồng bộ, hiện đại gồm: Máy thử động cơ; máy thử cân chỉnh bơm áp lực; máy căn chỉnh bơm cáo áp; máu mài trục cơ; máy hàn guốc xích…

Tổ sửa chữa 2 được giao nhiệm vụ chuyên sửa chữa các thiết bị thủy lực và đảm nhận sửa chữa thiết bị từ khi đưa vào xưởng cho đến khi bàn giao. Tổ sửa chữa 2 có 14 người, trong đó thợ bậc 7/7 có 2 người, bậc 6/7 có 01 người, bậc 5/7 có 05 người…, Để đáp ứng cho công việc, công nhân trong tổ đã được cử đi học vận hành thiết bị do chuyên gia Nhật đào tạo, cùng với trình độ của đội ngũ kỹ sư phân xưởng, anh em công nhân trong tổ đã hoàn toàn làm chủ công nghệ, dây chuyền sửa chữa thiết bị tập trung.

Hoàng Chí Thanh tâm sự, trong quá trình sửa chữa các thiết bị thủy lực, khó nhất là phát hiện được các sự cố để xử lý. Mặt khác, các thiết bị thế hệ mới, phần mềm điều khiển hiện đại khi gặp sự cố cũng rất khó phát hiện. Khó khăn nữa là khi đưa máy vào sửa chữa, khi “giải thể” thiết bị có đến hàng trăm chi tiết lớn, nhỏ phải tháo rời, có những chi tiết lớn như động cơ, bệ, sườn, xích, xi lanh nâng hạ cần; các chi tiết phức tạp như bơm cao áp, các loại van, ống thủy lực…, Đặc biệt là sửa chữa động cơ phải kiểm tra thật kỹ để phát hiện sai hỏng, quan trọng là tìm ra được nguyên nhân để xử lý. Khó không nản, Thanh đã cùng với các kỹ sư và anh em công nhân có nhiều giải pháp, sáng kiến cũng như tìm hiểu nguyên lý làm việc của thiết bị, liên hệ với nhà cung cấp và đơn vị sử dụng thiết bị để nghiên cứu phần mềm điều khiển, kiểm tra lỗi hỏng ở bộ phận nào để sửa chữa. Dưới “Bàn tay vàng” của Hoàng Chí Thanh và những người thợ Tổ sửa chữa 2, đã có hàng trăm thiết bị máy mỏ được trung đại tu, sửa chữa phục hồi để kịp thời đưa vào sản xuất. Có những thiết bị khi đưa vào sửa chữa đã quá cũ nát, khi được sửa chữa, thay thế các chi tiết, phụ tùng đã “hồi sinh” và được bàn giao cho các đơn vị sản xuất than trong niềm vui chung của những người thợ. Năm 2019 vừa qua, riêng Tổ sửa chữa 2 đã sửa chữa hoàn thành 12 máy, đạt 109% kế hoạch được giao, tiến độ sửa chữa theo đúng yêu cầu đặt ra và đảm bảo chất lượng, cũng như thực hiện quy trình bảo hành, bảo dưỡng theo đúng quy định của Tập đoàn, được các đơn vị sản xuất than lộ thiên đánh giá cao.

Ngoài việc sửa chữa các thiết bị máy mỏ phục vụ sản xuất than lộ thiên, Tổ sửa chữa 2 đã cùng với Phân xưởng Máy mỏ 1- Vận tải, các đơn vị của VMC chế tạo, lắp ráp hoàn thành 32 Máy xúc VMC E500-1 cung cấp cho các đơn vị sản xuất hầm lò, máy có tỷ lệ nội địa hóa trên 60%.

Với những nỗ lực phấn đấu và lao động sáng tạo không ngừng, Hoàng Chí Thanh đã luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, hàng năm đều đạt danh hiệu “Bàn tay vàng”, chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, cấp Tập đoàn và cấp Bộ Công Thương, bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh và Bộ Công Thương…

Thực hiện mục tiêu đảm bảo chất lượng, tiến độ sữa chữa thiết bị, Hoàng Chí Thanh khẳng định, năm 2020, cùng với Phân xưởng Máy mỏ 1 – Vận tải, Tổ Sửa chữa 2 sẽ hoàn thành xuất sắc kế hoạch được giao, đáp ứng kịp thời thiết bị cho sản xuất than, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất và tiêu thụ than của Tập đoàn.

Việt Trung